top of page

Khi Recruiter lên tiếng (P2): Bốn tips giúp làm việc hiệu quả

Xin chào mọi người! Mình tên là Diệp, hiện đang làm việc trong ngành tuyển dụng tại Nhật Bản.


Trong phần trước, mình đã chia sẻ về những tiêu chí mà mình thường dùng để đánh giá ứng viên. Hôm nay, mình muốn chia sẻ một chút kinh nghiệm về cách cân bằng công việc trong ngành tuyển dụng. Hy vọng rằng những chia sẻ này sẽ hữu ích cho những bạn đang muốn bước vào lĩnh vực này hoặc đang cảm thấy quá tải trong công việc.


Nhiều người thường nói rằng hai năm đầu vào nghề tuyển dụng là giai đoạn khó khăn nhất (có thể đúng với mọi nghề). Điều này càng trở nên thách thức hơn khi mình mới đến Nhật và phải thích nghi với văn hóa mới. Công việc của mình có cường độ khá cao; có những ngày mình làm việc không ngừng, và thật thú vị (hoặc cũng có thể là điều không hay) là công việc dường như không bao giờ kết thúc.


Cuối năm ngoái, mình đã trải qua một giai đoạn "burnout" - cảm giác kiệt sức, giảm cân và trở nên khó tính bất thường. Từ đầu năm nay, mình đã chủ động thực hiện một số thay đổi trong cuộc sống cá nhân, và sau hơn 6 tháng, mình cảm thấy mình đã chuyển mình và làm việc hiệu quả hơn rất nhiều. Dưới đây là bốn điều mà mình đã và đang áp dụng; nếu bạn đang gặp vấn đề tương tự, hãy thử xem nhé!


1. Quản lý năng lượng bằng lối sống điều độ

  • Ngủ: Mình cố gắng đi ngủ trước 11 giờ tối và ngủ đủ 7 tiếng.

  • Ăn uống: Tăng cường ăn rau củ quả tươi và giảm bớt thịt đỏ.

  • Tập thể dục: Mình thường bắt đầu ngày mới bằng việc tập yoga, tối thiểu 10 phút, nhưng đôi khi lên đến 30-60 phút. Nhiều ngày mình chỉ tập 10-15 phút nhưng cũng rất hiệu quả.

  • Vitamin cảm xúc: Mình đọc được rằng việc được ôm hay chạm vào người khác rất quan trọng. Nếu bạn không có ai để ôm, hãy thử đi massage thỉnh thoảng.


2. Viết nhật ký và lên kế hoạch

Mỗi buổi sáng, sau khi tập thể dục hoặc trước khi bắt đầu làm việc, mình dành khoảng 5-20 phút để viết nhật ký. Trước đây, mình hiếm khi viết tay vì thường dùng điện thoại hoặc máy tính, nhưng việc cầm bút viết đã mang lại cảm giác thư giãn bất ngờ. Mình theo học phương pháp của Jim Kwik, và thường chia nhật ký thành ba cột: To do (Work), To do (Personal – VD. đọc sách, dọn nhà…) và To feel (VD. Calm, positive, grateful…). Phương pháp này giúp mình định hướng cho ngày mới và theo dõi cảm xúc của bản thân. Khi đọc lại những gì đã viết, mình cảm thấy vui khi nhận ra mình đã làm được nhiều điều.


Khi HR recruiter lên tiếng (P2): Bốn tips giúp làm việc hiệu quả


3. Nói ít, làm nhiều

Bình thường, mình nghĩ và nói quá nhiều, dẫn đến mệt mỏi. Bây giờ, mình cố gắng tập trung vào hành động mà không phàn nàn. Khi ghi chú trong nhật ký rằng mình đã tập yoga liên tiếp 10, 20, 30 ngày, cảm giác thật tuyệt vời. Việc thực hiện và ghi chép đã trở thành một thói quen tích cực trong công việc của mình.


4. Rèn luyện khả năng tập trung

Mình cải thiện khả năng này bằng cách giảm thiểu việc đa nhiệm và thực hành thiền. Trước đây, mình thường vừa ăn vừa xem tin tức hoặc Netflix, nhưng giờ đây, mình chỉ tập trung vào việc ăn. Điều này không chỉ giúp mình ăn ngon hơn mà còn tiết kiệm thời gian để làm những việc khác. Mình cũng đã chủ động hơn trong việc thiền thông qua ứng dụng Insight Timer, thiền từ 10-30 phút mỗi ngày, tập trung vào hơi thở và cơ thể. Không biết có phải nhờ vậy mà hiện tại mình làm việc hiệu quả hơn và cảm thấy nhẹ nhàng, giảm bớt căng thẳng.


Kết luận

Trên đây là một vài chia sẻ nhỏ bé của mình (mặc dù có thể hơi dài dòng). Mình viết những điều này khi chưa đến 30 tuổi, chưa có con, chưa thành thạo tiếng Nhật, và vẫn đang tìm hiểu về môi trường làm việc tại Nhật Bản. Tuy chưa có nhiều kinh nghiệm hỗ trợ các start-up hay làm việc với những người mới vào nghề, nhưng mình hy vọng rằng những chia sẻ này có thể mang lại giá trị nào đó cho bạn. Rất mong được kết nối và học hỏi thêm từ nhiều bạn và các anh chị.


Chúc mọi người luôn khỏe mạnh và hạnh phúc!


Namaste.


*Bài viết được biên tập lại từ bài viết gốc của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Diệp trên Group Facebook: Đi làm tại Nhật VPJ


0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page