LỜI MỞ ĐẦU
Năm ngoái, mình tình cờ xem một video của Ray Dalio trên YouTube – một nhà đầu tư nổi tiếng của Mỹ. Trong đó, ông chia sẻ rằng bí quyết thành công của mình xoay quanh việc thiết lập các principles (nguyên tắc, 原則) trong cuộc sống và công việc. Điều này đã để lại ấn tượng mạnh mẽ và khiến mình suy nghĩ về những nguyên tắc mà mình đã áp dụng trong việc ra quyết định từ trước đến nay, cũng như cách mình sẽ tiếp tục dùng chúng để đưa ra những quyết định trong tương lai. Mình tin rằng những principles này có thể hữu ích cho những bạn, đặc biệt là kohai (hậu bối), có hoàn cảnh tương tự mình: người nước ngoài làm việc tại Nhật, đang làm trái ngành học, v.v. Chính vì vậy, mình quyết định viết bài chia sẻ về các nguyên tắc này, với mong muốn chúng sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho mọi người.
Một chút thông tin về bản thân để các bạn có thêm bối cảnh khi đọc những chia sẻ tiếp theo. Hiện tại mình đang làm việc về AI tại Google Japan. Điều thú vị là mình không có nền tảng về IT – từ cấp 3 đến đại học, mình học Vật lý. Sau khi tốt nghiệp, mình làm quản lý tư vấn (management consulting) tại công ty SigmaXYZ, và sau 1,5 năm, mình chuyển sang làm kỹ sư IT tại Recruit. Mình đến Nhật vào năm 2007, học tiếng tại Osaka trong một năm, sau đó theo học đại học tại Đại học Tokyo trong bốn năm.
Các nguyên tắc mình áp dụng đã giúp mình xây dựng được sự nghiệp tương đối ổn định, cho phép mình làm những công việc yêu thích và theo đuổi đam mê. Hy vọng rằng những nguyên tắc này cũng có thể mang lại lợi ích cho các bạn.
Principle 1: Có Chính Kiến - Have Your Own Opinions
Nguyên tắc đầu tiên và cũng là quan trọng nhất trong sự nghiệp của mình tại Nhật chính là: luôn có chính kiến và quan điểm riêng, không làm gì chỉ vì người khác nói nó tốt. Mình sẽ kể hai câu chuyện để minh họa.
Câu chuyện 1: Quyết định học thạc sĩ hay đi làm
Hồi năm 4 đại học, mình đứng trước một quyết định quan trọng: học tiếp lên thạc sĩ hay đi làm luôn. Khi đó mình đã thi đỗ vào thạc sĩ tại Todai, sẽ được nhận tiếp học bổng MEXT để đi học thêm 2 năm thạc sĩ. Các bạn cùng khoa năm đó gần 100 người thì ngoài mình ra đều học lên thạc sĩ. Gia đình, giáo sư trên lab và 99% những người mình hỏi xin ý kiến đều bảo là mình nên đi học: có học bổng rồi học thêm 2 năm nữa chỉ có lợi thôi chứ có mất gì đâu?
Tuy nhiên sau nhiều trăn trở thì mình đã quyết định đi làm luôn vì sau gần 1 năm làm trên lab, mình nhận ra mình không hề thích việc nghiên cứu mà muốn làm những công việc mang tính ứng dụng, tạo ra giá trị trực tiếp cho nhiều người.
Bởi vậy mình đã chọn đi làm management consulting với mong muốn được học thêm về business và tiếp xúc với nhiều ngành nghề khác nhau. Nhờ có quyết định này mà mình đã tiết kiệm được 2 năm quý giá trong lúc còn trẻ, dễ dàng học kiến thức mới những lĩnh vực mới. Nếu mình lựa chọn đi học lên thạc sĩ như được khuyên thì 2 năm đó có lẽ mình đã ngồi mài đũng quần trong phòng thí nghiệm, tự hỏi bản thân là mình đang làm cái gì.
Câu chuyện 2: Chuyển từ tư vấn quản lý sang IT engineer
Vào năm 2013, khi đó mình đi làm ở công ty consulting SigmaXYZ được gần 1 năm rưỡi và quyết định chuyển việc sang làm IT engineer. SigmaXYZ là môi trường rất tốt và mình cũng đã nhận được sự công nhận từ phía công ty (ví dụ: performance review kỳ đầu tiên được cao nhất trong các 同期, được lên pamphlet tuyển dụng của công ty).
Tuy nhiên lúc đó mình nhận ra một cơ hội lớn hơn trong ngành IT: management consulting đã tạo ra cách mạng trong những năm 1980-2000 bằng việc đưa khoa học vào cách vận hành công ty. Tuy nhiên internet và IT mới chính là nguồn gốc của cuộc cách mạng tiếp theo, thay đổi hoàn toàn cách doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho khách hàng, đồng thời tạo ra những business model mới. Mình muốn đón con sóng IT đó nên muốn chuyển sang 1 công ty làm IT product là Recruit để học thêm về cách xây dựng sản phẩm dựa trên IT.
Hồi đó trong những người mình hỏi thì trên 90% khuyên nên ở lại công ty cũ, vì ở Nhật rất kỳ thị những người chuyển việc. Khi nhảy việc nhiều sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển sự nghiệp sau này. Tuy nhiên đến thời điểm này thì mình đã có thể khẳng định được đó là lựa chọn đúng: các công ty công nghệ GAFA đã trở thành những công ty có giá trị vốn hoá lớn nhất thế giới, còn mình cũng nhờ đón được đúng trend nên đã có được công việc như mình mong muốn.
Thông qua 2 câu chuyện này, mình muốn nói rằng khi bạn có những suy nghĩ khác với số đông, thì một điều hiển nhiên là số đông sẽ không đồng thuận với bạn. Thậm chí những người thân thiết của bạn cũng sẽ phản đối. Khi đó, hãy tự đặt các câu hỏi “tại sao” nhiều lần đối với những lựa chọn của bạn, và khi bạn trả lời được những câu hỏi đó, và tự cảm thấy hài lòng với câu trả lời của mình, thì hãy mạnh dạn đi theo con đường mà mình chọn.
Ngược lại nếu bạn sống dựa trên những quyết định mà người khác nói cho bạn, thì rồi đến một lúc bạn có thể sẽ lạc lối, không biết mình đang làm việc này để làm gì, và muốn gì trong tương lai. Nhật Bản là đất nước có rất nhiều khuôn phép xã hội, nên một cách tự nhiên thì người nước ngoài ở Nhật như chúng ta cũng sẽ tuân thủ theo những định kiến đó vì “người nước ngoài thì làm sao hiểu Nhật bằng người Nhật”.
Thế nhưng hãy dừng lại một chút, và nghĩ xem tại sao bạn lại làm như vậy, và hãy chỉ làm khi bạn đã hiểu tại sao. Nghĩ nhiều thì cũng sẽ rất mệt đó, nhưng nó sẽ mang lại nhiều lợi ích sau này
Principle 2: Làm Việc Chăm Chỉ - Work Hard
Hồi nhỏ đi học chắc hẳn phần lớn chúng ta đã được nghe bố mẹ, thầy cô ra rả vào đầu phải “chăm học”, “chăm làm” mới khá được. Rồi khi đi làm ở Nhật, nơi việc về trước sếp là một điều tối kỵ, và ánh đèn công sở sáng đến nửa đêm là chuyện hiển nhiên, thì nếu nghe mình nói thêm về việc phải “làm việc chăm chỉ” thì cũng chả có ích gì cho bạn phải không?
Vâng, thế nhưng cái “work hard” mà mình muốn chia sẻ không phải là “work long hour”. Mình tạm chia nó thành 3 mục nhỏ như sau:
Deliver 120%
Wear many hats
Improve efficiency
DELIVER 120%
Đừng chỉ hoàn thành công việc được giao. Hãy làm để đạt ít nhất 120% kỳ vọng của sếp.
Mình sẽ kể cho các bạn 1 ví dụ cụ thể nhé.
Hồi mình mới tốt nghiệp và đang trong giai đoạn thực tập 新卒研修 tại một công ty consulting, một trong những nội dung training là học lập trình Java trong vòng 1 tuần. Điều kiện hoàn thành phần training này là phải giải xong 4 bài tập lập trình. Ai xong bài nào thì giáo viên sẽ review xem đã đạt yêu cầu chưa. Sau ngày training đầu tiên và nhận bài tập về, mình thức luôn đến 4h sáng để hoàn thành cả 4 bài tập của cả phần training đó và sáng hôm sau nộp bài luôn, trong khi thời hạn nộp bài còn tận đến cuối tuần.
Thời gian còn lại mình dùng để làm tutor cho các bạn cùng khóa (同期) gặp khó khăn khi giải các bài tập này, và được assign sớm vào project tiếp theo. Trong trường hợp này, yêu cầu của công ty đối với mình chỉ là hoàn thành phần training đúng hạn. Tuy nhiên, mình đã áp dụng principle trên và đặt ra mục tiêu là phải deliver sớm, cộng thêm vượt trên kỳ vọng bằng việc đi dạy cho các bạn cùng năm.
Giá trị lớn nhất của việc deliver 120% đó là bạn sẽ nổi bật lên trong đám đông. Trong trường hợp mình, các partner và principal (=sếp to trong consulting) phụ trách tuyển dụng cho team họ đều theo dõi sát sao quá trình training để tuyển quân. Thế nên nhờ việc nổi bật so với những bạn cùng năm giúp mình được các sếp to để ý đến, và tạo cơ hội thuận lợi khi được assign project sau này.
WEAR MANY HATS
Đừng chỉ hoàn thành việc của mình. Hãy nghĩ xem bạn có thể nhận thêm được việc gì khác nữa.
Hồi đi làm software engineer ở Recruit, yêu cầu của đối với engineer chỉ là viết code đúng tiến độ project và không có bug. Tuy nhiên mình luôn tìm xem có những project nào khác đang gặp vấn đề kỹ thuật khó và nhảy vào xung phong giải quyết giúp. Ví dụ hồi đó bên SUUMO (trang tìm nhà, thuê nhà lớn số 1 ở Nhật) có 1 dự án phát miễn phí vài nghìn kính xem VR cùng với tạp chí SUUMO để khách hàng có thể xem nhà qua app mà không cần đến tận nơi. MÌnh mặc dù không làm trong team SUUMO nhưng đã xung phong build prototype (lại là thức đêm làm vì ban ngày vẫn phải chạy project chính ), và deliver thành công dự án này. Dự án sau đó được nhận giải innovation của toàn tập đoàn Recruit (nhưng lúc đó mình nghỉ Recruit rồi nên cũng không xơ múi được gì).
Việc nhận thêm những công việc không phải của mình sẽ giúp các bạn có được những kỹ năng, góc nhìn mà những người chỉ có làm việc được giao không thể nào có được. Ví dụ, các bạn software engineer đừng chỉ ngồi code xong phần việc được giao, mà hãy nghĩ xem sản phẩm mình làm có thể cải thiện được gì và đề xuất với product owner/ project manager. Từ đó các bạn có được mạng lưới quan hệ rộng hơn trong công ty, và khi có những dự án thú vị, công việc thú vị người ta sẽ tự tìm đến bạn.
Một “tác dụng phụ” thú vị khi chủ động lấy thêm việc về đó là sếp hoặc sempai sẽ thấy họ không cần phải nghĩ việc cho bạn làm. Thế nên bạn có thể chủ động lấy những công việc mình thích về làm, và chủ động tránh những thứ không thích. Ví dụ như suốt thời mới đi làm (新人), mình không bao giờ phải tổ chức một cái nomikai nào cả. Sếp và sempai thấy mình đủ bận rồi nên sẽ giao mấy việc này cho mấy bạn 新人 khác vì như thế họ sẽ đỡ phải “nghĩ việc” cho các bạn đó .
IMPROVE EFFICIENCY
Đừng chỉ hoàn thành công việc. Hãy nghĩ xem lần sau bạn có thể làm sao để hiệu quả hơn.
Phần lớn công việc của chúng ta sẽ có sự lặp lại. Đặc biệt là với các bạn mới đi làm, hiếm khi nào bạn chỉ làm 1 task đúng một lần, mà sau này sẽ phải làm những task tương tự nhiều lần nữa. Bởi vậy mỗi khi làm xong 1 task được giao, các bạn hãy nghĩ lại xem nếu làm lại thì các bạn sẽ làm sao để nó hiệu quả hơn, tốn ít thời gian hơn.
Principle 3: Làm việc thông minh - Work Smart
Cho dù bạn có chăm đến đâu, sức khỏe phi phàm đến đâu thì thời gian của chúng ta cũng chỉ có 24h/ngày, và ngoài làm việc ra thì còn rất nhiều thứ quan trọng khác chúng ta cần dành thời gian. Bởi vậy việc tăng hiệu quả làm việc và tạo ra nhiều impact hơn trong cùng một thời gian làm việc sẽ đóng vai trò sống còn trong việc phát triển sự nghiệp khi các bạn đi làm trên 5 năm.
Hẹn gặp lại các bạn trong bài viết lần sau.
Comments